Tự sự của đêm: Một góc nhạc Trịnh

Người ta nói trong nhạc có thiền, lời ca có chủ nghĩa hiện sinh và âm hưởng, triết lý Phật giáo. Nhưng với bao người nghe nhạc Trịnh gần thế kỷ qua, điều kiện đầu tiên chẳng phải là hiểu lời nhạc của ông. Vì chỉ cần đồng điệu với những nốt nhạc trầm bổng, du dương là có thể chạm vào suối nguồn làm mát trí óc và tâm hồn của mỗi chúng ta.

Vào những đêm khuya, nếu bạn không phải làm việc, chỉ đơn giản muốn giải tỏa căng thẳng sau một ngày tất bật trước khi ngủ, thì bạn sẽ nghe nhạc gì? Nhạc trữ tình, quê hương, cải lương hay hiện đại… ?

Tôi thì cực thích nghe nhạc Trịnh, bởi những giai điệu nhẹ nhàng, đẹp đẽ và sâu lắng ngân lên trong đêm rất phù hợp cho việc giải tỏa đầu óc và cả đối thoại với chính mình. Việc mê nhạc Trịnh không phải là một sở thích xuất hiện bất chợt trong cuộc đời mà nó được ảnh hưởng và định hình một phần từ nếp sống, văn hóa của chính gia đình tôi ngày trước.

Hồi còn nhỏ, khoảng cuối thập niên 1990, tôi thường hay nghe cha nghêu ngao các bài hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Nhất là bài Diễm xưa, cứ mỗi lần Sài Gòn bất chợt một cơn mưa thì sẽ được nghe đến thuộc lòng: “Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ/ Dài tay em mấy thuở mắt xanh xao…”

tu su cua dem mot goc nhac trinh hinh anh 1

Hoặc những lúc rảnh rỗi, cha tôi lại ra tiệm thuê băng đĩa nhạc Trịnh về mở cho cả nhà nghe chỉ để giải trí, thư giãn… Thời ấy làm gì có internet để chỉ cần một nhắp chuột hay cái chạm điện thoại là có thể nghe được bài hát mình yêu thích. Vậy mà tôi được nghe nhạc Trịnh riết rồi ăn sâu vào tiềm thức lúc nào không hay.

Đến năm 13 tuổi khi đã có thói quen đọc nhiều sách chữ, tôi bắt đầu tìm hiểu lời nhạc và cuộc đời của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn qua những cuốn sách viết về ông. Để hiểu lời nhạc Trịnh thật sự không dễ dàng và đôi khi không thể hiểu hết được ý nghĩa những lời nhạc đó.

tu su cua dem mot goc nhac trinh hinh anh 2
Bút tích Trịnh Công Sơn

Người ta nói trong nhạc có thiền, lời ca có chủ nghĩa hiện sinh và âm hưởng, triết lý Phật giáo. Nhưng với bao người nghe nhạc Trịnh gần thế kỷ qua, điều kiện đầu tiên chẳng phải là hiểu lời nhạc của ông. Vì chỉ cần đồng điệu với những nốt nhạc trầm bổng, du dương là có thể chạm vào suối nguồn làm mát trí óc và tâm hồn của mỗi chúng ta. 

Tôi không biết gì về những kiến thức hàn lâm trong âm nhạc Việt Nam. Có rất nhiều nghệ sĩ, nhạc sĩ thành danh trên con đường đặc biệt của họ kể từ xưa. Và những bài hát đều được xếp loại ở dòng nhạc quê hương, trữ tình hay bolero…… Nhưng thật kỳ lạ, chỉ có nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là người ta dùng họ của ông để đặt cho dòng nhạc với những bài hát do ông sáng tác, đó chính là dòng nhạc Trịnh.

Sau này khi phương tiện giải trí ngày càng đa dạng, tôi nghe và cũng thích nhiều tác phẩm của các nhạc sĩ khác. Những bài hát với ca từ hay, giai điệu đẹp luôn khiến tôi đắm say và thổn thức trong một thời gian nhất định. 

Nhưng vào một giai đoạn nào đó phải tự mình trải qua các thử thách cuộc đời với nhiều bão tố cảm xúc, tôi lại tìm nghe nhạc Trịnh như một đứa trẻ tìm sự vỗ về của những lời ru… Những giai điệu ấy luôn ngân lên đúng lúc để chữa lành cho một tâm hồn mỏi mệt và cần nghỉ ngơi…

 “Xin ngủ trong vòng nôi

 Ta ru ta ngậm ngùi

Xin ngủ dưới vòm cây…”

(Ru ta ngậm ngùi – Trịnh Công Sơn)

Nguồn: Vov.vn