Chùa Cầu, tên chữ là Lai Viễn kiều (來遠橋), còn được biết đến là Nhật Bản kiều (日本橋) là cây cầu được xây dựng vào giữa thế kỷ XVII, tọa lạc ở trung tâm phố cổ Hội An (Quảng Nam). Đây là công trình kiến trúc nghệ thuật đặc sắc, được tôn vinh là biểu tượng của đô thị hơn 400 năm tuổi này.
Năm 1990, Chùa Cầu được Bộ Văn hóa công nhận là Di tích lịch sử – văn hóa (của quốc gia). Năm 1999, UNESCO ghi tên đô thị cổ Hội An vào Danh mục Di sản văn hóa thế giới, Chùa Cầu là một trong những di tích quan trọng hợp thành di sản văn hóa thế giới này. Hình ảnh Chùa Cầu còn được in trên giấy bạc mệnh giá 20.000 đồng trong hệ thống tiền tệ hiện hành ở Việt Nam.
Hơn 4 thế kỷ tồn tại, công trình kiến trúc này đã bị xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng và đã trải qua 7 lần tu bổ, trùng tu.
Lần trùng tu quan trọng nhất khởi sự từ ngày 28/12/2022, với tổng vốn đầu tư là 20,2 tỉ đồng, từ ngân sách của TP. Hội An và của tỉnh Quảng Nam.
Theo dự kiến, đến ngày 3/8/2024, TP. Hội An sẽ khánh thành công trình trùng tu Chùa Cầu nhân Tuần văn hóa Việt – Nhật lần thứ 20 diễn ra ở Hội An.
Tuy nhiên, trong mấy ngày cuối tháng 7/2024, khi hệ thống nhà bao che phục vụ công tác trùng tu Chùa Cầu được tháo dỡ, xuất lộ di tích này sau gần 2 năm đại trùng tu, với diện mạo “tươi sáng” hơn so với trước, thì trên mạng xã hội và truyền thông chính thống có nhiều ý kiến trái chiều về Chùa Cầu sau trùng tu. Những ý kiến này chủ yếu chê bai, phê phán, dè bỉu… cho rằng Chùa Cầu đã trùng tu sai, đã bị “trẻ hóa” và việc trùng tu đã phá hỏng một “biểu tượng của Hội An”, di sản văn hóa của nhân loại…
Trùng tu Chùa Cầu có sai không?
Là người từng công tác trong ngành bảo tồn bảo tàng ở Huế trong 17 năm; từng tu nghiệp trong ở lĩnh vực khảo cổ học, bảo tồn di tích và quản lý di sản văn hóa ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức và Pháp trong khoảng thời gian từ năm 1997 đến 2004, và đã vài lần đến hiện trường tu bổ Chùa Cầu để tham quan, xem xét trong năm 2023, cũng như quan sát các hình ảnh chụp chi tiết Chùa Cầu trước và sau khi trùng tu (được báo chí và mạng xã hội đăng tải), tôi khẳng định rằng: đội ngũ trùng tu Chùa Cầu đã thực hiện bài bản, khoa học, nghiêm túc và kết quả trùng tu là tốt đẹp, trả lại cho Hội An một Chùa Cầu đúng với diện mạo, hình hài bản thể nhưng vững chãi hơn, kiên cố hơn.
Không có gì sai hay đáng chê trách như dư luận đã lên tiếng trong mấy ngày qua, khi so sánh hình ảnh Chùa Cầu trước và sau khi trùng tu cả.
Vì sao tôi dám khẳng định như trên?
Trước tiên, là vì tôi tán thành phương án “trùng tu hạ giải” mà dự án trùng tu Chùa Cầu đã chọn, sau khi tổ chức hội thảo chuyên gia để đánh giá và lựa chọn phương án trùng tu Chùa Cầu.
Tháng 8/2016, khi nghe tin Chùa Cầu sẽ được hạ giải toàn bộ để trùng tu, nhiều chuyên gia bảo tồn, kiến trúc sư, nhà quản lý và cả lãnh đạo Hội An đều lo lắng trước nguy cơ sẽ “biến cây cầu hơn 400 năm tuổi thành cây cầu … 1 tuổi”. Nhưng sau khi Hội An tổ chức hội thảo chuyên gia, được nghe báo cáo các phương án khả thi về trùng tu Chùa Cầu, trong đó có sự phân tích, đánh giá của các chuyên gia bảo tồn đến từ Nhật Bản, thì phương án “trùng tu hạ giải” đã được lựa chọn.
Tôi đánh giá cao việc lựa chọn phương án này, bởi lẽ, sau hơn 400 năm tồn tại trong điều kiện thời tiết khí hậu khắc nghiệt ở miền Trung: nắng gắt, mưa dầm, lũ lụt đe dọa hàng năm, nên Chùa Cầu đã xuống cấp và hư hỏng nặng: phần móng bị lún, nghiêng; nhiều kết cấu bằng gỗ bị mối mọt, mục ruỗng; hệ thống tường bao bằng gạch bị bong tróc…, đã khiến cho tổng thể Chùa Cầu bị biến dạng phần nào; liên kết kiến trúc bị yếu đi, khiến công trình có thể sụp đổ, nhất là khi có mưa bão tấn công. Vì thế, lựa chọn phương án “trùng tu hạ giải” nhằm xử lý triệt để phần móng: cân chỉnh, gia cố, gia cường để tăng độ chịu lực; tháo dỡ phần cấu kiện gỗ để thay thế các bộ phận bị mục nát; thay thế ngói lợp bị vỡ, gia cố tường bao bằng gạch ở hai đầu cầu; thay thế những bộ phận bằng gỗ đã hư hại ở mặt cầu và lan can cầu là cần thiết.
Nếu lựa chọn phương án “tu bổ từng phần” thì sẽ không giải quyết rốt ráo các chứng bệnh thâm niên của Chùa Cầu, như 6 lần trùng tu trước đây.
“Trùng tu hạ giải” đã có tiền lệ thành công
Tại quần thể kiến trúc triều Nguyễn ở cố đô Huế, từ năm 1998 trở về trước, việc tu bổ các di tích, đặc biệt là di tích có cấu kiện gỗ làm khung chịu lực và có hệ thống tường bao bằng gạch, thường được tu bổ từng phần, nôm na là “hư đâu sửa đó”. Nguyên nhân làm vì thiếu kinh phí và chưa có giải pháp kỹ thuật thích hợp để lựa chọn các phương án trùng tu khác, trong đó có phương án “trùng tu hạ giải”. Vì thế, các di tích được “trùng tu từng phần” này chỉ sau một thời gian ngắn lại tiếp tục xuống cấp, dột nát, gây hư hại nghiêm trọng ở nội thất, khiến cơ quan quản lý các di tích này lại phải lập dự án, xin ngân sách để tái tu bổ di tích.
Năm 1995, khi Quỹ Toyota Foundation tài trợ ngân sách trùng tu Hữu Tùng tự (lăng vua Minh Mạng), họ đồng thời tìm kiếm đội ngũ chuyên gia trùng tu di tích từ Đại học Nihon (Nhật Bản), do GS.TS.KTS Shigeeda Yutaka làm trưởng nhóm, với sự cố vấn của thợ cả Takeshi Tanaka (là “nhân gian quốc bảo” – living human treasure – của Nhật Bản) đến Huế để hỗ trợ đội ngũ thợ thuyền ở Huế trùng tu di tích này.
Nhóm chuyên gia Nhật Bản đã kiến nghị với Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế lựa chọn phương án “trùng tu hạ giải” và được chấp thuận.
Sau hơn 3 năm trùng tu, di tích Hữu Tùng tự đã được tái hiện với hình hài cũ và vững chãi hơn nhiều. Hữu Tùng Tự trở thành “khuôn mẫu” để Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế tham khảo và thực hành các dự án trùng tu khác như: Sùng Ân điện, Bi đình, Hiển Đức môn (lăng vua Minh Mạng), Biểu Đức điện, Hồng Trạch môn (lăng vua Thiệu Trị), Ngưng Hy điện, Tả Hữu tùng tự (lăng vua Đồng Khánh)…, và gần đây là Thái Hòa điện (Hoàng Thành), Hòa Khiêm điện Minh Khiêm đường (lăng vua Tự Đức)… cũng đang được trùng tu theo phương pháp “trùng tu hạ giải” này.
Chùa Cầu đã được trùng tu như thế nào?
Chúng ta hãy theo dõi những phát biểu của lãnh đạo TP.Hội An và của đội ngũ trùng tu được báo chí trích dẫn trong mấy ngày qua:
– Của ông Nguyễn Sự (nguyên Bí thư Thành ủy Hội An): “… Về nguyên tắc trùng tu Chùa Cầu, đơn vị được giao nhiệm vụ thực hiện đã tận dụng tốt cấu kiện còn sử dụng được, tức là tất cả những phần kiến trúc còn có thể sử dụng như gỗ, sàn, lan can … nếu đảm bảo tính nguyên gốc thì đã được giữ lại. Chỉ một số thanh gỗ mục ruỗng mới được thay mới. Đối với những thanh gỗ mới này, đơn vị thi công cần nghiên cứu, xử lý làm sao cho nó tương đồng với màu phần gỗ cũ. Thậm chí, cần phải khắc rõ ngày, tháng, năm lên các thanh gỗ mới để con cháu đời sau biết được là những phần này đã được tu bổ vào thời gian nào…” (VTC News, 27/7/2024).
– Ông Nguyễn Văn Sơn (Chủ tịch thành phố Hội An): “… Khi tổ chức trùng tu, tất cả các cấu kiện gỗ, hoa văn, từng chi tiết nhỏ của di tích đã được giữ lại toàn bộ. Những chi tiết, hoa văn, gỗ, ngói nào hư hỏng thì mình sẽ thay sao cho hợp với màu gỗ cũ giống như di tích… Cấu kết, chi tiết bên trong, hoa văn đều được giữ lại như nét cổ kính của Chùa Cầu… Những cái kết tinh hàng trăm năm thì không thể nào bỏ và thay thế cái mới vào được. Đặc biệt, công năng của Chùa Cầu vẫn như xưa không thay đổi…” (Dân Việt, 28/7/2024);
– Ông Phạm Phú Ngọc (Giám đốc Trung tâm quản lý bảo tồn Di sản văn hóa Hội An): “… Di tích Chùa Cầu là một thành phần quan trọng, có giá trị tiêu biểu trong khu phố cổ Hội An, do đó việc khảo sát, nghiên cứu, đánh giá, xử lý kỹ thuật, điều chỉnh hồ sơ, đảm bảo cho công việc thi công tu bổ được triển khai một cách thận trọng, bài bản… Màu sắc của hệ trang trí mái Chùa Cầu được tu bổ, phục hồi dựa theo một số vị trí hiện còn tồn lại màu sắc nguyên trạng, kết hợp với kết quả nghiên cứu, khảo sát các công trình tín ngưỡng truyền thống tương tự ở Hội An, như đề xuất của các chuyên gia qua các lần tham vấn, tọa đàm…” (Đại Đoàn Kết, 28/7/2024)…
Cũng như các hình ảnh chụp tổng thể Chùa Cầu và chụp chi tiết các kết cấu gỗ bên trong di tích, mà báo chí và mạng xã hội đăng tải trong hai ngày qua cho thấy đội ngũ trùng tu Chùa Cầu đã làm đúng, làm tốt, đảm bảo nguyên tắc bảo tồn và “tính chân xác” của di tích Chùa Cầu, không có gì đáng phải phê phán, bỉ bai.
Tính chân xác của di sản là gì?
Theo Văn kiện Nara về tính Chân xác (Nara Document on Authenticity) được Ủy ban Di sản thế giới của UNESCO, ICCROM và ICOMOS thông qua tại Hội nghị Nara về tính Chân xác (thuộc khuôn khổ Công ước Di sản Quốc tế) được tổ chức tại Nara vào tháng 11/1994, thì “tính chân xác” bao gồm cả ý tưởng thiết kế, vật liệu xây dựng, công nghệ kỹ thuật, phương thức sử dụng, thời gian, không gian hình thành nên di sản và các giá trị của nó… được bảo đảm trong quá trình trùng tu bảo tồn các di tích” (Mục 13 của Văn kiện Nara về tính Chân xác, 1994).
Trong quá trình trùng tu di tích Chùa Cầu, tính chân xác của di tích này đã được Ban Quản lý dự án và đội ngũ trùng tu tuân thủ, thể hiện qua công việc và kết quả trùng tu mà tôi đã đề cập trên đây.
Đồng thời, theo lời ông Nguyễn Văn Sơn (Chủ tịch thành phố Hội An): “… Khi trùng tu Chùa Cầu, phía Nhật Bản cũng phái cử chuyên gia từ Tổ chức JICA, Tổng cục Văn hóa Nhật Bản qua tư vấn giúp Hội An tu bổ Chùa Cầu đạt độ chuẩn xác cao…” (Dân Việt, 28/7/2024), thì việc “phê phán online” kiểu “Chùa Cầu bị trùng tu sai, mới hóa, trẻ hóa…” của những người không có chuyên môn, thiếu thiện tâm và bắt trend trên mạng xã hội… là không thỏa đáng.
Vĩ thanh
Trong hai năm 1997 – 1998, khi đi tu nghiệp ở Nhật Bản, tôi được cơ quan tiếp nhận đến tu nghiệp là Shimaneken Kokudai Bunka Senta (Trung tâm nghiên cứu văn hóa cổ đại tỉnh Shimane) cử đến nghiên cứu, thực tập thực hành tại nhiều công trường khai quật khảo cổ và trùng tu di tích ở Shimane, Osaka và Nara. Trong đó, tôi được cử theo sát đội ngũ chuyên gia đang trùng tu di tích Suzakumon (Chu Tước môn), cửa chính phía nam của Heijo-kyo (Bình Thành kinh) ở cố đô Nara.
Ðó là một kiến trúc bằng gỗ, hai tầng nhưng đã bị thời gian và những cuộc chiến tranh thời Trung thế kỷ (thế kỷ XVIII – XVI) tiêu hủy hoàn toàn. Người Nhật phát hiện nền móng phế tích này năm 1918 và bắt đầu tiến trình nghiên cứu để phục hồi.
Năm 1993, người Nhật quyết định phục nguyên (fukugen) phế tích Suzakumon.
Thật vô cùng khó khăn để xác định diện mạo của Suzakumon vì không còn dấu tích cấu trúc nào còn sót lại. Tuy nhiên, căn cứ vào sử liệu và những phát hiện khảo cổ học, Viện nghiên cứu Di sản Văn hóa Quốc gia Nara (Nabuken) đã đề xuất mô hình phỏng đoán, dựa trên kiến trúc tương đương ở nơi khác, và đưa ra lấy ý kiến công khai của các chuyên gia bảo tồn học, sử học, kiến trúc học, dân chúng… ở Nara, Tokyo, Osaka, Kyoto… Sau đó hoàn chỉnh đề án trùng tu phế tích Suzakumon với tổng kinh phí là 3,6 tỷ yên (xấp xỉ 360 tỉ đồng Việt Nam vào thời điểm đó). Sau hơn 5 năm tiến hành, đến nay di tích Suzakumon đã được tái thiết đúng như hình hài nguyên thủy của nó.
Điều đáng nói là sau khi phục nguyên, Suzakumon tái hiện với màu sắc rực rỡ và lộng lẫy, mà không ai phê bình rằng “di tích Suzakumon 1.200 năm tuổi mà trông như một tuổi” cả.
Văn kiện Nara về tính chân xác 1994 đã đưa ra khái niệm về “Giá trị cấu thành di sản” ở Mục 6 (Đa dạng di sản văn hóa tồn tại theo thời gian và không gian) và Mục 9 (Hình thức và thiết kế, vật liệu và vật chất, phương thức sử dụng và chức năng, truyền thống và kỹ thuật, vị trí và khung cảnh, tinh thần và cảm giác, và các yếu tố bên trong và bên ngoài khác). Theo đó, di sản văn hóa có những giá trị bắt nguồn từ cộng đồng sản sinh ra nó, được kế thừa và phát triển, không phải bất biến, mà được bảo tồn bởi cộng đồng dựa trên tính chân xác và được cộng đồng bảo lưu và xác nhận.
Những màu sắc có vẻ mới của Chùa Cầu sau khi trùng tu sẽ “trầm lại” chỉ sau vài mùa mưa nắng. Điều quan trọng là những giá trị cốt lõi của Chùa Cầu về lịch sử (historic values, văn hóa (cultural values), nghệ thuật (art values) cùng các giá trị tình cảm (emotional values) và giá trị sử dụng lâu dài (future usage values) vẫn tồn tại với cộng đồng, quốc gia và nhân loại, không mất đi đâu cả.
Vậy thì có gì mà phải “xôn xao” về Chùa Cầu sau trùng tu?
Nguồn: Vov.vn