Tổng Bí thư luôn trăn trở với chấn hưng, phát triển nền văn hoá Việt Nam

Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu: “Đảng ta khẳng định: Trọng tâm xây dựng và phát triển văn hoá là xây dựng con người có nhân cách và xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh”.

Đó cũng chính là cách mà Tổng Bí thư luôn thực hiện trong suốt quá trình công tác của ông, từ đường lối đối ngoại đến phát triển kinh tế và ngay cả với lối sống hằng ngày của ông là xây dựng con người có nhân cách và môi trường văn hoá.

Từ lời nói đến hành động

Trong thời gian làm Tổng Bí thư, ông luôn đưa lời nói và hành động của mình gắn liền với việc giữ gìn bản sắc văn hóa, đồng thời thúc đẩy văn hoá phát triển. Đây là điều căn bản, quan trọng trong thời kỳ hội nhập quốc tế.

tong bi thu luon tran tro voi chan hung, phat trien nen van hoa viet nam hinh anh 1
Nghi thức dâng bánh chưng, bánh tét cúng Quốc Tổ Hùng Vương và Đức Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh tại TP.HCM (ảnh: T.V)

Theo PGS.TS Vũ Tuấn Hưng, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ, ngay từ những nhiệm kỳ đầu tiên, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã định hướng thúc đẩy phát triển văn hoá. Cụ thể là Trung ương Đảng ra Nghị quyết 33 năm 2014 về xây dựng và phát triển văn hoá con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Đây là nền tảng thể chế quan trọng, từ đó ra đời những quyết định liên quan, cụ thể hoá nền tảng về phát triển văn hoá cũng như con người Việt Nam trong thời kỳ mới.

Gần đây, các bài viết, ý kiến chỉ đạo, bài phát biểu của Tổng Bí thư về văn hoá được tổng hợp lại trong tác phẩm “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Cuốn sách có nội dung rất quan trọng thể hiện nhận thức có tính hệ thống về sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về văn hóa.

tong bi thu luon tran tro voi chan hung, phat trien nen van hoa viet nam hinh anh 2
PGS.TS Vũ Tuấn Hưng, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ (ảnh: NVCC)

PGS.TS Vũ Tuấn Hưng nói: “Đây là một trong những việc thể hiện quan trọng, Tổng Bí thư luôn để ý và quan tâm việc bảo vệ phát huy giá trị văn hoá truyền thống cách mạng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo. Cũng như ông có tình cảm đặc biệt dành cho phát triển văn hoá, thấm đẫm trong các chỉ đạo với tinh thần văn hoá soi đường cho quốc dân đi, văn hoá là hồn cốt của dân tộc. Từ đó, thể hiện sâu sắc mong muốn của Tổng Bí thư về vai trò dẫn dắt và điều hành sự phát triển của đất nước trên cơ sở phát triển nền tảng văn hoá, đó là nền tảng bền vững và có ý nghĩa trong việc phát triển gắn với bảo tồn phát huy các giá trị của dân tộc”.

Tổng Bí thư là người hiểu rất rõ quá trình phát triển của lịch sử đất nước. Ông có quá trình công tác tại Tạp chí Cộng sản, với bề dày về trí tuệ, khoa học và thực tiễn, với tình yêu quê hương đất nước. Đây là những nhân tố giúp cho những chỉ đạo về văn hoá của ông càng trở nên sâu sắc.

Sử dụng quyền lực có văn hóa

Nói về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, PGS.TS Hà Minh Hồng (giảng viên Khoa Lịch sử – Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia TP.HCM) ấn tượng, đó là một chính trị gia có bút lực dồi dào, tâm huyết với các vấn đề văn hoá – hồn cốt dân tộc. Trong khoảng thời gian hơn 30 năm (từ những năm 1990 cho đến nay) Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có gần 40 tác phẩm, công trình nghiên cứu về văn hoá. Trong đó có cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” dài hơn 900 trang. 

tong bi thu luon tran tro voi chan hung, phat trien nen van hoa viet nam hinh anh 3
PSG.TS Hà Minh Hồng, giảng viên Khoa Lịch sử – Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – ĐHQG TP.HCM (ảnh: Tỷ Huỳnh)

Điểm đặc biệt của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi nói về văn hoá đó là sự cụ thể hoá, hiện thực hoá những vấn đề có tính mặt trận, làm cho văn hóa trở nên gần gũi, dễ sử dụng, điều tiết cho sự phát triển bền vững. Mọi lĩnh vực từ chính trị, kinh tế, ngoại giao, quân sự quốc phòng đều được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cụ thể hoá với góc nhìn và tư duy văn hoá, chứ không hoàn toàn là những lập trường, quan điểm chính trị. Và chính thời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã làm xuất hiện rất nhiều những khái niệm về văn hóa: Văn hoá chính trị, văn hoá ngoại giao, văn hoá quân sự,… và cả văn hoá cầm quyền.

PGS.TS Hà Minh Hồng nói: “Là một người đứng đầu bộ máy của Đảng và Nhà nước, hai chữ “quyền lực”, Tổng Bí thư là người thấm nhất vấn đề quyền lực và sử dụng quyền lực như thế nào để quyền lực, văn hóa có văn hóa. Chính ở trong thời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, chúng ta mới thấy xuất hiện rất nhiều những khái niệm về văn hóa như: Văn hóa Đảng, văn hóa cầm quyền, văn hóa từ chức, văn hóa giao thông, văn hóa ngoại giao… Những hình ảnh đó không phải xa lạ lắm với đất nước và dân tộc này. Nhưng qua hiển ngôn đó, qua tổng kết nhận thức của một người đứng đầu Đảng, chúng ta mới thấy được nó mang tầm nhận thức, tầm chính trị, tầm lý luận, tầm vóc vấn đề”.

Còn theo PGS. TS. Phan Thị Hồng Xuân, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và Đông Nam Á, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM, Tổng Bí thư là người có vốn hiểu biết sâu sắc về con người, giá trị tinh thần của dân tộc Việt Nam. Điều đó được ông thể hiện trong những lần tiếp đón các đoàn quốc tế, Tổng Bí thư đã dùng những biểu tượng về văn hoá Việt Nam như lẩy Kiều; hay trong các bài phát biểu, ông cũng thể hiện nhẹ nhàng mềm mỏng theo đúng bản sắc văn hoá Việt là “lạt mềm buộc chặt”.

tong bi thu luon tran tro voi chan hung, phat trien nen van hoa viet nam hinh anh 4
Lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ là một trong 3 di sản văn hoá phi vật thể quốc gia của TP.HCM (ảnh: Q.T)

Bên cạnh đó, PGS. TS. Phan Thị Hồng Xuân cho rằng, đường lối ngoại giao cây tre với những câu ca dao, tục ngữ, văn thơ phát triển thành triết lí, được vận dụng nhiều trong nhiều lĩnh vực, không chỉ trong đối ngoại của Việt Nam: “Từ câu chuyện đó, cho giới trẻ niềm tin, một dân tộc trường tồn phải dựa vào bản sắc văn hoá và nền tảng văn hoá của mình. Người ta nhắc đến Việt Nam không chỉ phát triển nhanh về kinh tế mà còn phát triển bền vững dựa trên giá trị văn hoá và bản sắc”.

Văn hoá gắn liền với con người

Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc của Đảng tháng 11/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, một trong những nhiệm vụ để tiếp tục xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hoá dân tộc là “xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hoá, giá trị của quốc gia – dân tộc; kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại”.

TS Bùi Ngọc Hiền, Trưởng phòng Quản lý khoa học, thông tin, tư liệu – Học viện Cán bộ TP.HCM cho rằng, nhìn từ cách sống, cách làm việc của Tổng Bí thư đã toát lên văn hoá dân tộc. Ông là người có bề dày nghiên cứu tri thức về văn hoá qua quá trình tốt nghiệp khoa Ngữ văn, đồng thời gắn với công tác nghiên cứu lý luận. Câu chuyện về văn hoá của Tổng Bí thư còn được thể hiện qua lời nói, hành động, nói đi đôi với làm của mình. Đây là điều mà không phải ai cũng làm được.

TS Bùi Ngọc Hiền nói: “Những giá trị văn hoá ẩn sâu trong Tổng Bí thư và bộc lộ ra từ những hành động, cử chỉ bên ngoài. Khi xâu chuỗi lại những hình ảnh từ đối đãi với gia đình vợ con, như hình ảnh bác ngồi gói bánh chưng vào Tết năm 2019, đó là hình ảnh khiến mình không nghĩ được một hình ảnh giản dị từ nhà lãnh đạo như vậy”.

Tổng Bí thư cũng hết sức quan tâm đến công tác xây dựng văn hóa, đời sống văn nghệ sĩ để ngành văn hoá “có bước chuyển biến, tiến bộ mới, mạnh mẽ hơn nữa, hiệu quả cao hơn nữa, ghi một dấu mốc mới trên con đường chấn hưng, phát triển nền văn hoá Việt Nam trong thời kỳ mới” như trong phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021.  

tong bi thu luon tran tro voi chan hung, phat trien nen van hoa viet nam hinh anh 5
Ông Võ Hoàng Vũ, Phó Giám đốc Nhà Văn hóa Lao động Quận 8, TP.HCM (ảnh: Nguyễn Quang)

Ông Võ Hoàng Vũ – Phó Giám đốc Nhà Văn hóa Lao động Quận 8, TP.HCM cho rằng, không chỉ ủng hộ và khuyến khích, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng tích cực tham gia vào các hội nghị, diễn đàn văn hóa, gặp gỡ các văn nghệ sĩ, trí thức để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và góp phần vào việc xây dựng chính sách văn hóa. Ông khẳng định vai trò quan trọng của văn nghệ sĩ, trí thức trong việc giữ gìn và phát huy văn hóa, nghệ thuật truyền thống của dân tộc. Ông cũng khuyến khích đổi mới, phát triển những tác phẩm nghệ thuật phù hợp, gắn liền với đời sống hiện đại. Đồng thời có sự chia sẻ và hỗ trợ thiết thực, động viên, giúp họ yên tâm sáng tạo và cống hiến nhiều hơn cho nghệ thuật và công cuộc xây dựng đất nước.

Ông Võ Hoàng Vũ nói: “Trong suy nghĩ của người làm công tác văn hóa, chúng tôi luôn quan tâm đến sự lãnh đạo của Đảng, trong đó có sự chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Về mặt quan điểm, chúng tôi nhận thấy có quan điểm được chỉ đạo xuyên suốt. Một là nâng tầm hoạt động văn hóa, cũng như lĩnh vực văn hóa ngang tầm với những lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội… Đó cũng là kim chỉ nam để người làm văn hóa hành động. Từ những chỉ đạo của Đảng để triển khai chỉ đạo ở mặt quản lý nhà nước về mặt quản lý văn hóa, hoạt động văn hóa… Đây là điều hết sức phấn khởi. Thứ hai nữa là tư tưởng trong từng bài nói, bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đều nhấn mạnh rằng, sự giao lưu kết nối văn hóa là điều kiện để các dân tộc đoàn kết trong và ngoài nước, từ đó tạo nên sức mạnh chung cho cả kinh tế- văn hóa – xã hội đất nước”.

Văn hóa còn thì dân tộc còn

Còn theo ông Nguyễn Văn Thủy, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh Bình Dương, chấn hưng văn hóa Việt Nam là một vấn đề quan trọng. Qua những bài phát biểu, chỉ đạo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặt ra nhiều vấn đề để chấn hưng văn hóa.

Trong đó, làm sao phải phát triển kinh tế, chính trị, xã hội để làm nền tảng cho sự phát triển văn hóa. Tiếp đến là phải khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, tinh thần đoàn kết của dân tộc. Những tinh thần này là sức mạnh to lớn để xây dựng và bảo vệ đất nước.

tong bi thu luon tran tro voi chan hung, phat trien nen van hoa viet nam hinh anh 6
Ông Nguyễn Văn Thủy, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh Bình Dương (ảnh: Thiên Lý)

Ông Thủy nhấn mạnh, để phát triển văn hóa phải đầu tư cho con người. Bởi, con người là yếu tố quyết định của văn hóa. Đầu tư cho con người về giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng để họ có kiến thức, kỹ năng và phẩm chất đạo đức tốt. Ông Thuỷ nhận định, cần có sự quan tâm, đầu tư để phát triển văn hóa; cần nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của văn hóa trong đời sống xã hội. Đặc biệt theo chỉ đạo của Tổng Bí thư, phải đầu tư cho con người.

Ông Thủy nói: “Để phát huy đời sống văn hóa của người Việt Nam nói chung, theo tôi, phải đầu tư vào con người, tạo những điều kiện thuận lợi để những người hoạt động về văn hóa phát huy tinh thần yêu nước, về hoạt động những văn hóa, tiềm năng chúng ta hiện có. Chúng ta tạo môi trường ra sao để phát huy tinh thần, tiềm năng mà người Việt Nam sẵn có nhưng chưa được phát huy”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng nói: Việt Nam là một đất nước có hàng nghìn năm lịch sử, với nhiều sự biến đổi, thăng trầm do thiên nhiên và con người gây ra, đã tích luỹ, tạo ra và phát huy được nhiều giá trị, bản sắc văn hoá riêng của dân tộc, làm nên hồn cốt của dân tộc…. Văn hoá còn, thì dân tộc còn. Đó cũng chính là trăn trở của Tổng Bí thư lúc sinh thời đã được ông thể hiện qua từng bài phát biểu, chỉ đạo, lời nói và hành động của mình.

Nguồn: Vov.vn