Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế luôn khắc ghi lời căn dặn của Tổng Bí thư, nỗ lực bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị di sản, sớm đưa địa phương trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị.
Cuối tháng 11/2021, trong phát biểu chỉ đạo Hội nghị Văn hóa toàn quốc tại thủ đô Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc lại lời của tiền nhân: “Văn hóa còn thì dân tộc còn”, văn hóa làm nên hồn cốt của dân tộc nên mất văn hóa là mất dân tộc. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế luôn khắc ghi lời căn dặn của Tổng Bí thư, nỗ lực bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị di sản, sớm đưa địa phương trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị.
Những ngày này, huyện vùng cao A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế vốn yên bình càng thêm tĩnh lặng. Nghệ nhân ưu tú Hồ Thị Tư, Phó Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện A Lưới tâm sự, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã trở nên như người thân của đồng bào các dân tộc Cơ Tu, Pa Cô, Pahy, Tà Ôi, Kinh. Hình ảnh thân thương, ân cần thăm hỏi, căn dặn bà con đồng bào ở xã Hồng Hạ trong chuyến thăm và làm việc với bà con hồi tháng 11/2014 luôn để lại ấn tượng sâu sắc với bà con dân làng.
Ngôi nhà Gươl truyền thống và cây cầu Ưng Hoong- kỷ vật của Tổng Bí thư tặng bà con hơn 10 năm trước nhắc nhớ bà con luôn gìn giữ, bảo tồn văn hóa dân tộc, phát triển kinh tế địa phương.
Bà Hồ Thị Tư cho rằng: “Đây là một món quà vô giá của bác Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để lại cho đồng bào. Để tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với bác, trong thời gian tiếp theo, cán bộ và nhân dân xã Hồng Hạ nói riêng và cán bộ, nhân dân huyện A Lưới nói chung tiếp tục phát huy tốt hơn nữa trong việc tổ chức các hoạt động văn hóa như: Lễ hội truyền thống, dân ca, dân nhạc, dân vũ, mở các lớp truyên dạy về văn hóa vật thể, phi vật thể cho lớp trẻ kế thừa và lưu truyền văn hóa truyền thống. Chúng tôi tổ chức trưng bày, triển lãm các sản phẩm văn hóa vật thể, phi vật thể củ đồng bào các dân tộc thiểu số huyện A Lưới. Để nền văn hóa truyền thống của đồng bào huyện A Lưới luôn được phát triển, hòa nhập, trường tồn cùng nền văn hóa dân tộc Việt Nam như bác Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hằng mong mỏi”.
Sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để lại niềm tiếc thương vô hạn đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế. Những thành tựu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương luôn mang dấu ấn, sự chỉ đạo sát sao của Tổng Bí thư.
Bà Nguyễn Thị Tường Vy, ở phường Đông Ba, thành phố Huế bày tỏ: “Tôi chưa một lần được gặp Tổng bí thư nhưng qua các phương tiện truyền thông, tôi biết ông đã từng đến thăm Huế và dành những tình cảm đối với địa phương, đặc biệt là sự quan tâm của ông đối với công tác bảo tồn di sản, văn hóa Huế. Thời gian qua, chính quyền địa phương và người dân tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã có rất nhiều nỗ lực trong công tác bảo tồn, phát huy những giá trị di sản, đưa địa phương sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương”.
Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc sở Văn hóa, Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế nhớ lại, cách đây hơn 10 năm, tháng 3/2014, trong chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Thừa Thiên Huế, sau khi làm việc với lãnh đạo tỉnh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dành thời gian thăm Quần thể di tích Cố đô Huế.
Lúc bấy giờ với cương vị là Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, ông Phan Thanh Hải cùng các đồng nghiệp vinh dự được lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế giao nhiệm vụ đón tiếp và giới thiệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng đoàn công tác cấp cao của Đảng tham quan Đại Nội Huế. Tại đây, Tổng Bí thư rất chăm chú nghe giới thiệu thiệu về Di sản văn hóa thế giới Quần thể Di tích Cố đô Huế. Tổng Bí thư đã đưa ra những lời nhận xét, tầm quan trọng, tính kế thừa của di sản văn hóa thời Nguyễn trong dòng chảy lịch sử văn hóa của dân tộc. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dành sự quan tâm đặc biệt và ân cần căn dặn đội ngũ làm công tác bảo tồn di sản văn hóa Cố đô không ngừng học tập nâng cao trình độ chuyên môn, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô Huế.
“Tổng Bí thư là người am hiểu rất sâu sắc về văn hoá, di sản, kể cả những vấn đề cần phải làm trong bối cảnh hiện nay. Riêng đối với Thừa Thiên Huế là một địa phương phát triển dựa trên nền tảng chính của văn hoá, di sản. Sự quan tâm đặc biệt của đồng chí Tổng Bí thư thông qua Kết luận 175 và đặc biệt là Nghị quyết 54 về xây dựng phát triển Thừa Thiên Huế. Trong đó, nhấn mạnh đến việc phát triển dựa trên nền tảng của văn hoá, di sản. Với sự quan tâm đặc biệt của Tổng Bí thư, Bộ Chính trị cùng với việc nỗ lực triển khai Nghị quyết 54, trong lĩnh vực di sản, văn hoá, chúng ta đã đạt được những kết quả quan trọng. Đây chính là nền tảng để Thừa Thiên Huế sẵn sàng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo đúng tinh thần Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị”, ông Phan Thanh Hải chia sẻ.
Sau chuyến thăm và làm việc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với Thừa Thiên Huế vào năm 2014, ngày 01/8/2014, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận 175 về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Kết luận số 48 về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế và đô thị Huế đến năm 2020.
5 năm sau, năm 2019, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chủ trì phiên làm việc đặc biệt của Bộ Chính trị với tỉnh Thừa Thiên Huế tổng kết đánh giá 10 năm thực hiện Kết luận số 48, sau đó ban hành Nghị quyết số 54 về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn 2045.
Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đang nỗ lực triển khai thực hiện Nghị quyết 54 theo quan điểm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Bộ Chính trị: “Xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hoá Huế, với đặc trưng văn hoá, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh…”.
Nguồn: Vov.vn