Tết “Khoăn vài” – gọi vía trâu của người Tày – Nùng

Tết gọi vía trâu “Khoăn vài” hay Tết mùng 6 tháng 6 thường được đồng bào Tày, Nùng các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn tổ chức sau khi đã cấy xong vụ mùa với ý nghĩa “tạ ơn” trâu đã giúp con người sản xuất ra lúa gạo, cũng là dịp để con cháu trong gia đình đoàn tụ sau vụ mùa vất vả.

Với người Tày, người Nùng, con trâu vẫn là đầu cơ nghiệp, bởi việc gieo trồng của bà con ở những thửa ruộng bậc thang nên hầu như không thể sử dụng máy móc. Bởi thế, “tạ ơn” trâu khi nông nhàn là phong tục ghi nhận công lao của loài vật này để con người có những vụ mùa bội thu.

tet khoan vai - goi via trau cua nguoi tay - nung hinh anh 1
Khi những thửa ruộng bậc thang đã cấy xong là lúc đồng bào Tày, Nùng ăn Tết “Khoăn vài”

Bà Hoàng Thị Nhuận, hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, người có nhiều công trình nghiên cứu về văn hóa Tày-Nùng cho biết: Đầu tiên là các nghi lễ gắn với tâm linh, nghi lễ cúng gia tiên, cúng Thần Nông, thần bảo vệ gia súc. Các lễ vật đều được chuẩn bị từ nhiều ngày trước, đúng ngày 6 tháng 6 (Âm lịch) cả bản dậy từ sáng sớm để chuẩn bị sắp lễ cho việc dâng cúng. Việc đầu tiên gia chủ phải làm là dọn dẹp chuồng trâu cho sạch sẽ, cắt giấy hồng dán lên các cột chuồng trâu, dán lên sừng trâu với ý nghĩa xua đuổi tà ma và cầu mọi điều may mắn.

“Người Tày-Nùng gắn với nông nghiệp lúa nước. Ngày xưa, trâu được dùng làm sức kéo chính trong mùa vụ. Đến ngày mùng 6 tháng 6 âm lịch, khi đã cấy xong vụ mùa, trâu được nghỉ ngơi, bà con người Tày, Nùng tổ chức ăn tết gọi vía trâu bởi vì đồng bào quan niệm sau vụ mùa vất vả, trâu cày bừa mệt nhọc nên hồn siêu phách lạc. Dịp này nhà nào cũng làm bánh, bún, đặc biệt không thể thiếu món bún vì nó tượng trưng cho trời mưa với mong ước mưa thuận, gió hòa tưới tắn cho những cánh đồng lúa vừa cấy”.

Bà Nông Thị Hạnh (xóm Lũng Hoài, xã Mã Ba) và bà Nông Thị Anh (xóm Lũng Kính, xã Hồng Sỹ) cũng cho biết: Mặc dù vùng Lục Khu (huyện Hà Quảng, Cao Bằng) quanh năm khô hạn, không có ruộng cấy lúa nhưng con trâu cũng gắn liền với đồng bào Nùng nơi đây và cái tết “Khoăn vài” luôn là sự kiện lớn đối với bà con.

“Đến ngày mùng 6 tháng 6 thì nhà nào cũng làm bánh, nào là bánh chưng, bánh dợm, nhà nào có vịt thì thịt vịt, có gà thì thịt gà. Chúng tôi vẫn giữ phong tục từ trước tới giờ. Bà con trong bản tổ chức ăn tết to như rằm tháng bảy, không thể bỏ được bởi vì đó là phong tục của dân tộc mình”.

“Tết mùng 6 tháng 6 nhà nào cũng ăn to lắm. Thịt gà làm mâm cúng tổ tiên, phong tục của người Nùng bản tôi thì cúng gà cả con chứ không chặt ra từng miếng. Ngày xưa thấy người già cũng làm đủ loại bánh để ăn tết. Sau khi làm lễ xong thì cả nhà cùng ăn bữa cơm quây quần bên nhau”.

tet khoan vai - goi via trau cua nguoi tay - nung hinh anh 2
Sau khi làm lễ tại nhà, đàn trâu sẽ được gia chủ đưa đi chăn thả

Lễ vật để dâng cúng dịp Tết “khoăn vài” gồm thịt vịt, bánh lưng gù hình sừng trâu, bún cùng vàng mã, rượu và các loại quả trong vườn nhà. Sáng mùng 6 tháng 6 (âm lịch) gia chủ sắp đồ lễ và chờ đúng giờ Thìn sẽ dâng lễ lên bàn thờ với mong muốn các bậc Thần linh phù hộ cho đàn trâu mạnh khỏe, bình an, để vụ sau lại tiếp tục giúp người dân việc cày bừa. Sau khi đã hoàn tất việc cúng lễ, gia chủ dắt trâu, vác cày, bừa ra sông, suối để tắm cho trâu, rửa dụng cụ cày, bừa sạch sẽ. Bữa cơm trưa ngày mùng 6 tháng 6, nhà nào cũng cho trâu ăn trước, với các loại bánh, bún… cùng câu hát mời trâu ăn.

Tết “khoăn vài” mỗi vùng có những nghi thức khác nhau nhưng đều mang một mục đích chung là gọi vía trâu về sau mùa vụ cày bừa vất vả, mệt nhọc. Bà Hà Thị Ỷ (người Tày ở xóm Nà Nhừ, xã Dân Chủ, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng) nói:

“Từ xưa đã thấy các cụ bảo ăn tết mùng 6 tháng 6 là ăn tết “khoăn vài”. Người Tày ở làng tôi thì chỉ làm bánh, bún rồi ăn chứ không làm mâm cúng vì ở đây ăn tết mùng 5 tháng 5 to hơn. Cày cấy xong rồi thì tổ chức ăn một bữa coi như rửa nông cụ, sau đó con trâu sẽ được nghỉ ngơi”.

Với mong muốn tạ ơn Thần Nông đã phù hộ cho mưa thuận gió hòa và tỏ lòng biết ơn đối với con trâu giúp nhà nông hoàn thành mùa vụ. Tết “khoăn vài” đã trở thành ngày lễ truyền thống không thể thiếu của đồng bào Tày, Nùng. Đây cũng là dịp để gắn kết tình cảm giữa các thành viên trong gia đình, làng bản, góp phần gìn giữ nét văn hóa độc đáo trong khi nhiều nét văn hóa truyền thống đang dần bị mai một như hiện nay.

Nguồn: Vov.vn