Theo NSND Trịnh Thúy Mùi, sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là mất mát to lớn của đất nước nói chung và văn hóa – nghệ thuật nói riêng.
Hòa chung niềm đau xót trước sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, các nghệ sĩ tưởng nhớ ông như một nhà lãnh đạo luôn quan tâm sát sao, thúc đẩy sự phát triển của văn hóa và nghệ thuật.
Tối 19/7, rất đông nghệ sĩ Hà Nội đã tụ hội cùng nuối tiếc, đau xót và kể nhau nghe những kỷ niệm, ấn tượng về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Chúng tôi được tiếp xúc từ những ngày xưa khi bác còn làm Bí thư Thành ủy Hà Nội. Khi ấy, bác hay xuống thăm các đơn vị nghệ thuật, trong đó có Nhà hát Chèo Hà Nội.
Tôi nhớ mãi một lần, bác gặp đã hỏi ngay: “Mọi người có sống được bằng nghề không?”. Một câu hỏi tưởng chừng đơn giản nhưng ai nấy đều xúc động vì rất thực tế. Chúng tôi đáp lại: “Chúng con sống được bằng nghề, không phải làm thêm nghề khác dù rất khó khăn”.
Bác động viên trong bối cảnh khó khăn, các nghệ sĩ càng cần đoàn kết, đồng lòng sáng tạo nhiều hơn, đóng góp tài năng nhiều hơn. Khi đó, khó khăn sẽ dần được tháo gỡ, giảm tải. Bác còn nói nhân dân vẫn rất yêu chèo, chúng tôi phải giữ gìn giá trị tinh hoa của cha ông và làm sao phát huy được nó trong cuộc sống đương đại.
Bác động viên nhưng cũng là giao trọng trách – điều rất thiêng liêng với chúng tôi. Năm 2008, tôi được bổ nhiệm Giám đốc Nhà hát Chèo Hà Nội. Mười năm sau đó, tôi và các anh chị em đã thực sự đoàn kết như bác dặn, cùng nhau đưa Nhà hát đi lên và đạt nhiều thành tựu không chỉ trong nghệ thuật.
Khoảng năm 2011, tôi và các đồng nghiệp đến biểu diễn phục vụ các đại biểu Quốc hội, có bác Trọng – khi ấy là Chủ tịch Quốc hội – và các lãnh đạo xem bên dưới. Áp lực lắm chứ, nhưng nghệ sĩ chúng tôi càng áp lực lại càng thăng hoa. Diễn xong tác phẩm Ngọc Hân công chúa, bác lên sân khấu tặng hoa và khen ngợi chúng tôi. Chỉ tiếc mãi không nhận được tấm hình nào chụp với bác.
Năm 2018, tại Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, tôi được bác Hữu Thỉnh giao nhiệm vụ đại diện văn nghệ sĩ cả nước phát biểu trước bác Nguyễn Phú Trọng, bác Trần Đại Quang. Thay vì nói về thành tích hay những cố gắng, tôi – dù ngại, dù sợ bác không hài lòng – vẫn nói về những khó khăn, bất cập của nghề.
Lúc về, bác vẫy tôi lại, nắm tay nói: “Bài phát biểu rất đúng với thực tế mà Đảng và Nhà nước cần quan tâm”. Một câu đấy thôi, tôi sung sướng vô cùng.
Nhưng câu tiếp theo mới làm tôi ngơ ngác: “Riêng Thúy Mùi là một trong những nghệ sĩ hết sức năng động. Thúy Mùi không được nghỉ mà phải tiếp tục cống hiến nhé”. Lúc ấy, tôi vừa nghỉ hưu được 1-2 tháng, chỉ mới về làm Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và Phát triển nghệ thuật truyền thống sân khấu Việt Nam, không nghĩ bác vẫn biết và dõi theo mình như vậy.
Năm 2021, tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, bác vẫn gặp riêng và khen bài phát biểu của tôi. Bác nói nghệ sĩ không nên chỉ kể về thành tựu mà phải chỉ ra những tồn tại, yếu kém mới có thể định hướng phát triển đúng đắn. Nghe vậy, tôi vui vì biết mình vẫn đi đúng hướng.
Năm 2023, Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam cũng có Tổng Bí thư tham dự. Những cuộc như vậy luôn có bác đến dự và chỉ đạo trực tiếp. Khi lên sân khấu trao kỷ niệm chương, bác vừa thấy tôi đã vẫy gọi: “Thúy Mùi, nghệ sĩ hát chèo nổi tiếng”. Tôi rất vinh dự khi trong hàng triệu người để nhớ, bác vẫn nhớ đến mình.
Nghệ sĩ quý vì bác thực sự rất sát sao, thúc đẩy sự phát triển của văn hóa và nghệ thuật, không phải nhà lãnh đạo nào cũng thế.
Trong những bài nói, phát biểu, bác luôn lồng vào những câu thơ, trích dẫn, các tác phẩm nghệ thuật – vừa cho thấy sự am hiểu rộng lớn, vừa gieo vào nghệ sĩ chúng tôi rất nhiều thiện cảm.
Tình cảm bác dành cho văn nghệ sĩ rất chân thành là một lẽ, quan trọng hơn, những chỉ đạo của bác luôn rất trúng, kịp thời và sát với thực tiễn hoạt động văn hóa – nghệ thuật. Những điều đó động viên, thúc đẩy chúng tôi rất nhiều trong quá trình làm nghề.
Trong tôi, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng còn là người mẫu mực hiếm có, chân thành, dễ gần mà cũng rất nghiêm. Hồi xưa, Tết năm nào chúng tôi cũng đi chúc Tết bác. Chỉ được mang một bó hoa thôi, không bao giờ được phép tặng thêm bất kỳ thứ gì cho bác đâu! Vậy mà bác rất tâm lý, luôn chuẩn bị quà cho chúng tôi nào sách, nào bút.
Bác hay nói: “Lãnh đạo phải vất vả, gian nan thì anh em mới sống được bằng nghề”, “Làm nghệ thuật đã khó, quản lý nghệ thuật còn khó hơn, phải cố gắng bằng 2, bằng 3 người khác”. Những câu dặn đơn giản nhưng chúng tôi không bao giờ quên được.
Sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không chỉ là mất mát to lớn của đất nước, dân tộc mà còn của văn hóa – nghệ thuật!
Tôi vinh dự khi từng vài lần được hát tại các chương trình có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tham dự. Tôi nhớ nhất năm 2019 hát cho chương trình Xuân quê hương phục vụ khán giả Việt Nam và kiều bào tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, phát sóng trực tiếp trên VTV1, VTV4.
Hôm ấy, tôi hát các bài Người mẹ của tôi, Mẹ tôi và Trên đỉnh Phù Vân. Bác và phu nhân đã ngồi xem từ đầu đến cuối, sau đó cùng các cấp lãnh đạo lên tặng hoa cho nghệ sĩ.
Theo thời gian, dù nhiều điều tôi không còn nhớ rõ nhưng đọng lại ánh mắt bác lúc nào cũng rất trìu mến khi nhìn các nghệ sĩ biểu diễn.
Cũng như khá nhiều đồng nghiệp, tôi ghi khắc nhất câu nói của bác: “Tiền bạc lắm làm gì, chết có mang theo được đâu. Danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất”.
Vóc của một người đàn ông là để lại những giá trị lớn lao trong cuộc đời bằng chính những hành động cụ thể với sự tâm phục khẩu phục cùng sự truyền cảm hứng mạnh mẽ.
Xin được khắc ghi mãi những khoảnh khắc trong các chương trình biểu diễn chào mừng có bác ngồi dự ở dưới.
Như bao người dân Việt Nam, tôi rất buồn và tiếc thương khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ra đi. Trước đó, tôi đều thấy xúc động khi biết bác tuổi cao, sức yếu thông qua hình ảnh và thông tin trên báo chí. Tôi tin với sự giản dị, những đức tính và cả đời bác cống hiến cho dân tộc, bất cứ người dân nào cũng đau buồn giống tôi.
Tôi rất may mắn khi tuổi thơ lớn lên luôn ở gần bác. Nhà tôi ngày xưa đối diện Tạp chí Cộng sản – nơi đầu tiên bác công tác.
Năm cấp 2, bác về ở nhà công vụ (số 5, phố Thiền Quang). Nhà tôi ở phố Nguyễn Thượng Hiền, nằm ngay sau lưng nhà bác. Tôi – khi ấy vẫn là đứa trẻ – hay cùng bạn bè ra phố Thiền Quang đá bóng.
Đại học năm thứ 2, tôi có căn phòng riêng đầu tiên – rộng 4m2 của ba mẹ từ thời bao cấp – vẫn sát vách tường nhà bác!
Lớn lên, đôi khi tôi nói vui với mọi người: “Chắc tôi được nhờ một phần hào quang của bác”. Nói vui nhưng hãnh diện thật, vì với tôi, bác là một tấm gương sáng để tôi noi theo trong cuộc sống và hành trình làm nghề.
Nguồn: Vov.vn