Nếu có dịp đến phum sroc, vùng đồng bào Khmer sinh sống vào những dịp hè, chắc chắn quý vị và các bạn sẽ cảm nhận được không khí nhộn nhịp của các em học sinh cùng nhau tham gia lớp học chữ Khmer ở các ngôi chùa.
Cả tháng nay, tại nhà ông Thạch Thia Sê Rây ở ấp Đại Mong, xã Phú Cần, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh, mỗi ngày đều vang lên tiếng nhạc cụ, tạo nên không khí ấm áp và rộn ràng. Đây là tâm huyết của ông Thạch Thia Sê Rây, không những giúp các em nhỏ có được mùa hè bổ ích và ý nghĩa, mà còn góp phần bảo tồn và phát huy văn hóa nghệ thuật truyền thống của dân tộc.
Khóa dạy nhạc cổ truyền dân gian dân tộc Khmer tại gia đình ông Thạch Thia Sê Rây được chia làm 2 lớp, buổi sáng và buổi tối, mỗi lớp có khoảng chục em. Tất cả đều là học sinh đang dịp nghỉ hè.
Với trẻ em nông thôn, thiếu sân chơi lành mạnh trong dịp hè, thì việc ông Thạch Thia Sê Rây mở lớp dạy nhạc cụ Khmer miễn phí cho các em là việc làm thực sự ý nghĩa. Ngoài việc góp phần bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc mình, thì đây còn là sân chơi lành mạnh, bổ ích giúp các em có cơ hội tìm hiểu sâu hơn về các loại nhạc cụ dân tộc và thỏa sức đam mê khi hòa mình vào âm thanh của các nhạc cụ này.
Theo ông Thạch Thia Sê Rây, ông có duyên và gắn bó với nghệ thuật từ nhỏ, cũng nhờ đó mà ông có được cuộc sống sung túc ngày hôm nay. Vì thế, ông muốn truyền ngọn lửa đam mê cho thế hệ trẻ, tiếp nối, gìn giữ và phát huy nghệ thuật truyền thống của dân tộc mình.
Ông Thạch Thia Sê Rây cho biết thêm: “Phần lớn các bạn trẻ ngày nay được tiếp nhận nhiều loại hình văn hóa hiện đại nên nghệ thuật truyền thống của dân tộc không khéo sẽ có nguy cơ mai một. Vì thế, tôi mong muốn tìm kiếm những bạn trẻ có đam mê, có tố chất âm nhạc để đào tạo những kỹ thuật trình diễn các loại nhạc cụ mà bản thân đã tích lũy được, nhằm xây dựng lực lượng kế thừa, góp phần bảo tồn văn hóa của dân tộc Khmer”.
Đến với lớp học, các em được ông Thạch Thia Sê Rây truyền dạy cách chơi nhiều loại nhạc cụ truyền thống của dân tộc Khmer như: đàn khưm, đàn tà khê, đàn cò, đàn gáo, trống tay, thổi sáo…
Em Chane Sô Phia cho biết, thầy Thia Sê Rây rất tận tình chỉ dạy cho các em kỹ năng chơi các loại nhạc cụ khác nhau. Thầy vui vẻ và gần gũi nên chúng em cảm thấy thoải mái và hào hứng: “Thầy đã dành rất nhiều thời gian để chỉ dạy chi tiết những kỹ thuật chơi từng loại nhạc cụ cho từng học viên. Trong quá trình dạy học, thầy cũng thường xuyên chia sẻ về ý nghĩa, giá trị của các nhạc cụ, chỉ dạy cho học viên về kỹ năng giao tiếp và biểu diễn, giúp học viên hiểu rõ hơn giá trị của nhạc cổ truyền dân tộc và có kỹ năng biểu diễn tốt hơn”.
Theo chị Kim Thị Si Da, là phụ huynh có con em theo học lớp này, hiện nay trẻ em tiếp xúc nhiều với các thiết bị công nghệ như máy tính, điện thoại thông minh v.v… dẫn đến lười vận động, giảm khả năng giao tiếp và nhiều nguy cơ bệnh tật khác. Thế nên, chị rất ủng hộ con chị tham gia lớp học này. Vì đây là sân chơi lành mạnh, có ý nghĩa và bổ ích.
“Con cái được nghỉ hè, ở nhà thường hay sử dụng điện thoại, nhưng do cuộc sống mưu sinh, phụ huynh phải tập trung lao động, làm việc nên đôi khi không sát sao trong việc giám sát con cái sử dụng thiết bị công nghệ. Mà cũng không thể cấm tuyệt đối việc sử dụng điện thoại, vì đó là phương tiện liên lạc khi cần thiết. Bởi vậy, khi thầy Thạch Thia Sê Rây mở lớp dạy nhạc cụ truyền thống, tôi rất mừng và ủng hộ con tham gia”, chị Kim Thị Si Da bày tỏ.
Ông Kiên Phương, Trưởng ấp Đại Mong, xã Phú Cần, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh đánh giá cao về việc mở lớp dạy nhạc cụ truyền thống dân tộc Khmer của ông Thạch Thia Sê Rây. Ông Kiên Phương cho rằng, hiện nay, một số loại hình nghệ thuật có nguy cơ bị mai một. Vì thế, rất cần có những lớp học thế này, nhằm góp phần bảo tồn văn hóa nghệ thuật đặc sắc của dân tộc Khmer. Đặc biệt, cần sự chung tay góp sức của tất cả mọi người.
“Ông Thạch Thia Sê Rây từ lâu đã có nhiều đóng góp cho nghệ thuật Khmer. Ông gắn bó và xem nó như là hơi thở của mình nên ông rất tâm huyết. Việc tổ chức các lớp truyền dạy nhạc cổ truyền dân gian này có ý nghĩa thiết thực trong quá trình lâu dài của việc bảo tồn nhạc cụ truyền thống nói riêng và bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Khmer nói chung. Về lâu dài, hy vọng lớp học này sẽ được ông Thạch Thia Sê Rây duy trì, để dạy cho các em thuần thục cách chơi các loại nhạc cụ khác nhau và thổi cho các em ngọn lửa đam mê nhằm tạo nền tảng vững chắc cho việc bảo tồn nghệ thuật của dân tộc trong thời gian tới”, ông Kiên Phương nhấn mạnh.
Lớp dạy nhạc cụ truyền thống dân tộc Khmer miễn phí trong dịp hè của ông Thạch Thia Sê Rây, đã góp phần cho các em học sinh vùng nông thôn này có thêm sân chơi lành mạnh và ý nghĩa. Đây cũng là tâm huyết của ông đối với thế hệ mai sau và hy vọng rằng, các em sẽ trở thành lực lượng nòng cốt trong việc giữ gìn, phát huy nét văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc Khmer trong tương lai.
Nguồn: Vov.vn