Khánh Hòa công nhận di tích cấp tỉnh, trùng tu Lầu Bảo Đại

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa ban hành quyết định xếp hạng Biệt thự Lầu Bảo Đại là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh. Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Khánh Hòa lập hồ sơ, thủ tục trình cấp thẩm quyền để cải tạo, trùng tu khu biệt thự cổ Cầu Đá hơn 100 năm tuổi trong Khu di tích Biệt thự Lầu Bảo Đại, phường Vĩnh Nguyên, thành phố Nha Trang.

Đến nay, Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh Khánh Hòa đã hoàn thành việc tiếp nhận các hiện vật cũng như khu biệt thự từ Công ty cổ phần đầu tư Khánh Hà. Hiện nay, các biệt thự lâu năm đã xuống cấp, hư hỏng. Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Khánh Hòa sẽ khảo sát, mời chuyên gia đánh giá, lên dự toán kinh phí đầu tư trùng tu, tôn tạo để trình HĐND tỉnh phê duyệt.

Khu Biệt thự Lầu Bảo Đại được người Pháp xây dựng năm 1923 làm nơi ở cho các nhà hải dương học tại núi Cảnh Long, nhìn ra vịnh Nha Trang. Từ năm 1940 đến 1945, Hoàng đế Bảo Ðại thường tới đây nghỉ dưỡng nên khu này mang tên Biệt thự Bảo Đại – vị vua cuối cùng của Việt Nam.

khanh hoa cong nhan di tich cap tinh, trung tu lau bao Dai hinh anh 1
Các căn biệt thự được xây dựng từ hơn 100 năm trước

Tháng 8/2013, UBND tỉnh Khánh Hòa giao hơn 13 héc ta đất (bao gồm 5 biệt thự cổ, đất di tích lầu Bảo Đại và núi Cảnh Long cùng mặt biển) cho Công ty cổ phần đầu tư Khánh Hà thực hiện dự án kinh doanh Bảo Đại resort Nha Trang. Mục tiêu dự án là xây dựng nơi này thành khu biệt thự, khách sạn 5 sao, khách sạn và biệt thự cho thuê dài hạn hoặc bán. Còn 5 biệt thự cổ trên cũng thuộc sở hữu của dự án Bảo Đại resort Nha Trang và doanh nghiệp sẽ cải tạo để cho thuê, phục vụ kinh doanh du lịch. 

khanh hoa cong nhan di tich cap tinh, trung tu lau bao Dai hinh anh 2
Di tích Lầu Bảo Đại có vị trí rất đẹp tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa

Tuy vậy, dự án này chậm tiến độ, quá trình triển khai xảy ra vi phạm, cơ quan chức năng xử phạt và đình chỉ thi công từ năm 2017 đến nay. 

Ông Lê Văn Hoa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Khánh Hòa cho biết: “Tỉnh Khánh Hòa đã được để lại di sản của Viện Hải dương học ngày xưa, do người Pháp xây dựng. Trên cơ sở yếu tố gốc của di tích, sẽ tôn tạo, phục dựng. Làm sao di tích đó vừa bảo tồn vừa phát huy, phát triển được. Di tích nếu không được bảo tồn, không phát huy sẽ không sống động, không đóng góp vào phát triển kinh tế và du lịch trong giai đoạn hiện nay”.

Nguồn: Vov.vn