“Inside Out 2” vượt qua “Frozen 2” ra mắt vào năm 2019, trở thành phim hoạt hình đạt doanh thu cao nhất mọi thời đại với 1,46 tỷ USD.
Sau 6 tuần ra mắt, “Inside Out 2” đã thu về 601 triệu USD ở nội địa và 861 triệu USD trên thị trường quốc tế, nâng tổng doanh thu toàn cầu lên con số 1,46 tỷ USD.
Trước đó, bộ phim hoạt hình rất thành công là “Forozen 2” đã mang về 1,45 tỷ USD vào năm 2019. Bản làm lại “The Lion King” (2019) của Disney thu về 1,65 tỷ USD, về mặt kỹ thuật bộ phim được tạo trên máy tính, nhưng hãng phim phân loại là phim người đóng (live-action). Vì vậy, bộ phim không nằm trong danh sách những bộ phim hoạt hình có doanh thu hàng đầu.
Về doanh thu bán vé toàn cầu, “Inside Out 2” vượt qua cả “Barbie” (1,44 tỷ USD) để trở thành bộ phim hoạt hình có doanh thu cao thứ 13 trong lịch sử. “Inside Out 2” chỉ cần 19 ngày để cán mốc doanh thu 1 tỷ USD. Đây cũng là bộ phim có doanh thu cao nhất năm 2024 tính đến thời điểm hiện tại và là bộ phim duy nhất trong năm nay gia nhập “câu lạc bộ tỷ USD”.
“Inside Out 2” có doanh thu khủng một phần nhờ thành công từ phần 1 vào năm 2015 và hiệu ứng truyền miệng. “Inside Out 1” đã thắng lợi và thu về 858 triệu USD trên toàn cầu.
“Inside Out 2”, được gã khổng lồ hoạt hình Pixar đầu tư tới 200 triệu USD, còn giúp hãng phim thoát khỏi tình trạng trì trệ về doanh thu phòng vé. Các nhà phê bình và khán giả đều đánh giá cao tác phẩm, do đó sự truyền miệng mang lại hiệu ứng tích cực, thúc đẩy doanh số bán vé. Trên trang Rotten Tomatoes, phim nhận được đánh giá tích cực từ cả giới phê bình (91%) và khán giả (96%). “Inside Out 2” được coi là “bàn đạp” để hãng phim Pixar trở lại cuộc đua điện ảnh và tiếp tục với những bộ phim ăn khách khác sau thời gian chật vật với nhiều tác phẩm liên tiếp không thành công về mặt doanh thu.
“Inside Out” ra mắt lần đầu năm 2015, do Pete Docter đạo diễn, thành công về mặt chất lượng lẫn thương mại. Bộ phim đoạt tượng vàng Oscar 2016 hạng mục “Phim hoạt hình xuất sắc”. Phần 2 của “Inside Out” được dự đoán là ứng viên giải Oscar 2025 ở hạng mục “Phim hoạt hình hay nhất”.
Gần một thập kỷ sau phần 1, “Inside Out 2” tái hiện lại tâm trí của Riley, lúc này đang ở tuổi thiếu niên, chuẩn bị bước vào cấp 3. Những hormone tuổi dậy thì khiến cô rơi vào cảm giác lạc lõng và mất phương hướng. Trong đầu Riley có nhiều cảm xúc như Joy (niềm vui), Sadness (nỗi buồn), Anger (giận dữ) điều khiển tâm trí. Khi Riley đến trại hè, một loạt những cảm xúc mới xuất hiện như Anxiety (lo lắng), Envy (đố kỵ), Embarrassment (xấu hổ), Ennui (chán nản) và Nostalgia (nỗi nhớ). Những cảm xúc xung đột kéo theo những tình huống bi hài, giúp khắc họa sinh động tâm lý của một cô bé 13 tuổi.
Nguồn: Vov.vn