Với các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, cồng chiêng là nhạc cụ mang tính thiêng, có thần linh trú ngụ. Cồng chiêng thường gắn liền với các nghi lễ, lễ hội của cộng đồng. Với người K’Ho ở tỉnh Lâm Đồng còn có một nghi lễ riêng để cảm tạ thần chiêng, đó là Lễ cúng chiêng.
“Hỡi lũ làng! Sau một năm vất vả với nương rẫy, hôm nay lúa đã chất đầy kho, rượu cần đã đến ngày khai ché. Chúng ta cùng tụ hội về đây để tạ ơn các Yàng (thần) đã cho buôn làng một năm mưa thuận, gió hòa, cho nương rẫy tốt tươi lúa trĩu hạt, cho đàn heo nhiều như con kiến đen, cho đàn trâu nhiều như con ốc dưới suối. Hỡi lũ làng! Chúng ta cùng về đây mở hội”.
Giờ lành đã đến, già làng K’Thế ở bon Srê Nhắc, thị trấn Đinh Văn, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng thổi một hồi tù và dài và kêu gọi mọi người về dự hội. Đáp lời gọi, người dân cùng tập trung xung quanh cây nêu ở trung tâm khu vực làm lễ. Khi mọi người đã ổn định, già làng K’Thế bắt đầu khấn: “Hỡi thần chiêng linh thiêng! Đang ngụ trong các chiêng to, chiêng nhỏ; chiêng mẹ, chiêng con. Buôn làng có của ăn của để, biết nghe, biết làm theo điều phải. Xin cảm ơn thần và mời thần về dự hội cùng buôn làng. Hôm nay buôn làng mở hội, sẽ có vật tế lễ, có rượu cần ngon. Xin thần cho hạ dàn chiêng xuống và đánh lên vang dậy núi rừng, rộn rã lòng người, tưng bừng lễ hội”.
Dứt lời khấn, già làng làm lễ hiến sinh với một con gà trống; cùng với các lễ vật gồm cá khô, muối, gạo, xôi, trái cây. Nghi lễ có ý nghĩa để xin đưa dàn chiêng xuống để sử dụng và cầu chúc cho mọi người dự lễ đều được bình an, mạnh khỏe, may mắn. Tiếp đó là nghi thức hạ từng chiếc chiêng và trao cho 6 chàng trai để bắt đầu diễn tấu bài chiêng “Gungme Gungma”, nghĩa là “Chào mừng quan khách”. Sau khi kết thúc nghi lễ hạ chiêng, tiếng chiêng ngân lên rộn ràng là lúc khai hội. Già làng K’Thế cho biết: “Bộ tộc nào mà già làng hoặc là trong làng đó có bộ chiêng thì linh hồn của thần chiêng ngự ở trong làng đó. Nghi lễ hạ chiêng là để xin phép thần về cùng tham dự và cùng mừng với dân làng trong các dịp như bắt đầu chọc tỉa lúa nương rẫy hay xây nhà, lấy vợ, gả chồng cho con… Tất cả những bài chiêng thì đều xin thần cho phép thì chúng tôi mới được đánh chiêng”.
Một trong những tiết mục hấp dẫn nhất trong Lễ cúng chiêng là đấu chiêng (Ching Yo). Trong hơi men rượu cần, các chàng trai thử tài đánh chiêng, dùng kỹ thuật đánh chiêng của mình ép đối phương không đánh chiêng được để giành chiến thắng. Cuộc vui cứ thế diễn ra, bên những ché rượu cần, tiếng chiêng càng lúc càng vang xa. Anh Kra Jan K’Rông, ở thôn Bồ Liêng, thị trấn Đinh Văn, huyện Lâm Hà, cho biết, cồng chiêng và các lễ hội là những món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống của người K’Ho.
“Sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đã thúc đẩy bà con mình ngày càng gìn giữ phong tục tập quán theo chế độ mẫu hệ. Đó là một giá trị di sản phi vật thể, món ăn tinh thần của người dân chúng tôi”.
Trong cồng chiêng có thần, người K’Ho đặc biệt trân trọng giữ gìn, không sử dụng tùy tiện. Ông K’El, ở tổ dân phố Ryông Srê, thị trấn Đinh Văn, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng chia sẻ: Cồng chiêng gắn liền với những nghi lễ liên quan đến vòng đời người và các lễ hội quan trọng của cộng đồng.
“Chiêng của người K’Ho thì có 6 cái, cồng thì có 8 cái. Trong bộ chiêng đó thì có thể đánh rất nhiều điệu, sử dụng trong các ngày lễ lớn, ví dụ mang lúa về, đám cưới và các lễ nghi quan trọng thì chúng tôi đều dùng chiêng. Chiêng là một vật thể quý giá của dân tộc K’Ho”.
Trong các lễ hội của người K’Ho, lễ cúng chiêng là nghi lễ mở đầu để xin thần linh cho hạ dàn chiêng xuống sử dụng. Đây cũng là nghi lễ để mở ra những hoạt động lễ hội tràn ngập âm thanh và sắc màu sau đó. Đời sống ngày càng phát triển, bà con vẫn coi trọng và tiếp tục gìn giữ, phát huy những giá trị truyền thống. Trong đó, lễ cúng chiêng là một điểm nhấn độc đáo, được người K’Ho lưu truyền trong nhiều lễ hội hiện nay.
Nguồn: Vov.vn