Sáng nay (23/7), tại Hà Nội, Hội đồng Lý luận Trung ương phối hợp với Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học: “50 năm xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn”.
Mở đầu hội thảo, các đại biểu đã dành một phút mặc niệm, tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Nhà lãnh đạo có công lao to lớn, đặc biệt xuất sắc đối với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và nhà nước, một nhân cách văn hóa lớn hết lòng vì Đảng, vì nhân dân.
Tiếp đó, qua thảo luận các ý kiến cho rằng, 50 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ, hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân, nước ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Theo đó, nhận thức về văn hóa ngày càng toàn diện và sâu sắc hơn. Văn hóa Việt Nam có sự thống nhất trong đa dạng, là sự hòa quyện, kết tinh giữa bản sắc văn hóa các dân tộc anh em; ngày càng phát triển mạnh mẽ, gắn với mọi mặt của đời sống, hướng tới phục vụ nhu cầu chính đáng của nhân dân; được bảo tồn, phát huy; từng bước trở thành động lực, nguồn lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong khẳng định, với chiều dài lịch sử, bề dày văn hiến nghìn năm, Hà Nội luôn nhận thức sâu sắc vấn đề văn hóa vừa là nhiệm vụ trước mắt, vừa là nhiệm vụ cơ bản và lâu dài: Vừa qua riêng cấp ngân sách Thành phố là khoảng 42.000 tỷ đồng cho lĩnh vực văn hóa và ngân sách cấp thành phố là khoảng 14.200 tỷ mà đây cũng là mức đầu tư lớn nhất trong số các địa phương cũng như của Hà Nội từ trước đến nay. Qua đó để nhằm tạo điều kiện đồng bộ trên tất cả các mặt, thứ hai là để thu hẹp khoảng cách chênh lệch về hưởng thụ văn hóa giữa các khu vực trên địa bàn của Thủ đô Hà Nội.
Mặc dù vậy, theo PGS.TS Phạm Văn Linh, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương cho đến nay văn hóa vẫn chưa thực sự được các cấp, các ngành nhận thức một cách sâu sắc và chưa được quan tâm đầy đủ, tương xứng. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý văn hóa có lúc còn lúng túng, chậm trễ, nhất là trong việc thể chế hóa các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về văn hóa. PGS.TS Phạm Văn Linh nêu rõ: Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ một trong các nguyên nhân chính của những hạn chế, tồn tại, bất cập, yếu kém trên lĩnh vực văn hoá là: “việc thể chế hoá và tổ chức thực hiện đường lối văn hoá của Đảng còn thiếu đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả”; đồng thời yêu cầu phải “phân tích sâu sắc các nguyên nhân này để tìm cách khắc phục, nhằm đẩy mạnh hơn nữa việc chấn hưng và phát triển nền văn hoá Việt Nam trong thời gian tới”.
Còn theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, thời gian tới cần phát triển các ngành công nghiệp văn hóa nhằm khai thác và phát huy những tiềm năng văn hóa Việt Nam, phục vụ sự phát triển kinh tế – xã hội và ổn định chính trị của đất nước. Để từ đó làm cho văn hoá trở thành nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội. PGS.TS Bùi Hoài Sơn nêu ý kiến: Công nghiệp văn hóa giúp cho chúng ta tự tin hơn tự hào hơn về tài sản của cha ông để văn hóa dân tộc và từ đó giúp cho chúng ta hội nhập quốc tế tốt hơn, có vị trí chỗ đứng tốt hơn trong hệ thống chính trị thế giới. Chúng ta cần nhận thức tốt hơn về việc là chúng ta đầu tư cho văn hóa hay đầu tư cho công nghiệp văn hóa là đầu tư cho phát triển bền vững đất nước. Cùng với đó, cần phải hình thành một cơ quan chuyên trách về công nghiệp văn hóa, để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa theo đúng hướng, đúng tầm mà công nghiệp văn hóa có thể đem lại cho đất nước.
Nguồn: Vov.vn