Với triết lý sống cao đẹp, liêm chính, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trở thành nguồn cảm hứng sáng tác của nhiều tác giả. Những lý tưởng sống cao đẹp, những chỉ đạo đầy sâu sắc, thấm thía của Tổng Bí thư đã “đi vào” nhiều sáng tác âm nhạc của các nhạc sĩ ngay trong những ngày này.
Bài hát “Khúc ca vĩnh biệt Người” của nhạc sĩ Lê Thống Nhất, với sự hòa âm của nhạc sĩ Nguyễn Thanh Hải, như một nén hương tiếc thương, tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Tuy không đưa tên ở ca từ, nhưng người nghe chắc chắn đều hiểu đó là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng:
Một vì sao trên trời lấp lánh
Một con người trong triệu trái tim
Một cuộc đời vì dân, vì nước.
Với mong ước Tổ quốc quang vinh…”
Nhạc sĩ Lê Thống Nhất kể lại, ngay khi nghe tin Tổng Bí thư mất, ông đã nghĩ rất nhiều và ngay sáng hôm sau ông đã viết 4 câu thơ: “Một lòng vì Đảng, vì Dân/Cả đời Liêm Chính Kiệm Cần Hiếu Trung/Khí phách như Bách, như Tùng/Hoá Mây Bạc Trắng sống cùng nước non. Sau đó, tôi đã xem khá nhiều chương trình về bác Nguyễn Phú Trọng trên các kênh truyền hình và báo chí với tâm trạng rất xúc động và kính trọng. Tôi đã thử nghĩ tới một ca khúc để bày tỏ tình cảm của mình như một nén tâm hương tiếc thương, tưởng nhớ Bác”.
Sau đó, nhạc sĩ Lê Thống Nhất đã trăn trở suốt 3 ngày và thử nhiều phương án khác nhau. Ông cho biết, viết về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rất khó, đặc biệt ca từ và âm nhạc phải giản dị như cuộc đời của ông, nghiêm trang thành kính, tiếc thương nhưng ngợi ca. Viết làm sao để nhiều người hát được: “Những điều muốn nói về Bác rất nhiều nhưng nói như thế nào trong một ca khúc lại phải lựa chọn. Làm sao lời hát và âm nhạc giản dị như cuộc đời của Bác, tuy không nhắc tên Bác trong ca khúc nhưng ai cũng nghĩ tới Bác. Đây là quá trình mà tôi phải trăn trở nhiều nhất. Về âm nhạc tôi cũng lựa chọn giai điệu và các quãng sao cho mọi người có thể dễ hát được với bố cục đơn giản nhất làm sao thể hiện được cả hai điều tôi đã ghi trên bản nhạc là “Tiếc thương – Ngợi ca”.
Qua những ca từ trong bài hát “Khúc ca vĩnh biệt người”, nhạc sĩ Lê Thống Nhất muốn nhấn mạnh 3 điều mà ông cảm nhận về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Bác Trọng là người thực sự học tập tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh về cách sống cần, kiệm, liêm, chính, sống chan hòa với nhân dân và được dân yêu. Trong giai đoạn Bác lãnh đạo đất nước, vị thế của Việt Nam được nâng lên rõ rệt trên thế giới. Bác cũng được người dân đặt niềm tin khi đã kiên trung, kiên cường trong công tác phòng chống tham nhũng.
Khi nhận được tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng qua đời, Trung tá, nhạc sĩ 8X Tạ Duy Tuấn – Nhà hát Ca Múa Nhạc Quân đội cảm giác rất đau xót, nghẹn ngào, xúc động. Với sự kính trọng, ngưỡng mộ, thực sự tiếc thương trước sự ra đi này, anh đã sáng tác ca khúc “Huyền thoại một vì sao”.
Nhạc sĩ Tạ Duy Tuấn nói: “Tôi dùng hình tượng “vì sao” ở đây đó là sự lấp lánh tỏa sáng của đồng chí nhưng nó rất ung dung, rất giản dị. Trong bài có câu mà tôi viết “Hoàng hôn khuất lưng đồi và bình minh lên đón nắng mai/Người đã sống như đóa hướng dương, như cánh chim không mỏi dẫn đường chỉ lối cho chúng ta đi/Vinh quang Tổ quốc Việt Nam”. Đó là một câu tôi rất tâm đắc trong bài. Đồng chí như một đóa hướng dương luôn hướng về mặt trời, như một cánh chim đã dành cả đời mình phục vụ cho sự nghiệp cách mạng của đất nước. Và một câu tôi rất tâm đắc nữa khi viết là “một vì sao tinh tú bay lên giữa muôn ngàn sao”… Câu này với tôi thật sự xúc động khi mà dùng hình tượng văn học là đồng chí như một vì sao sáng bay lên, ở đây là sự mất mát nhưng mà bay lên giữa muôn ngàn sao, giữa muôn những người con tinh tú của đất nước để từ trên cao có thể ngắm nhìn sự phát triển và phồn vinh của đất nước mình”.
Từng vinh dự được biểu diễn phục vụ và lắng nghe những lời dặn dò của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trung tá, nhạc sĩ Tạ Duy Tuấn luôn cố gắng phát huy vai trò của Đảng viên, nhạc sĩ, sĩ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam trong việc tuyên truyền về Đảng, Bác Hồ, quê hương đất nước bằng sự giản dị, chân thành và mang đậm hơi thở cũng như góc nhìn riêng của thế hệ trẻ.
Khi nghe tin thông báo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng qua đời, với cảm xúc nghẹn ngào, xúc động trào dâng đã thôi thúc soạn giả Mai Văn Lạng đặt lời ca bài chèo “Nhớ bác Nguyễn Phú Trọng”. Viết xong, soạn giả Mai Văn Lạng đưa lên trang facebook cá nhân, lập tức đã có hàng trăm người bình luận, chia sẻ. Ngay tối hôm ấy, hàng chục người yêu chèo khắp cả nước đã cùng cất lên bài chèo “Nhớ bác Nguyễn Phú Trọng” và đến giờ đã lên tới hàng trăm người thể hiện.
Với cương vị là Trưởng phòng Dân ca, Ban Âm nhạc, Đài Tiếng nói Việt Nam mấy chục năm, cho nên việc bảo tồn gìn giữ âm nhạc dân ca truyền thống vốn được soạn giả Mai Văn Lạng rất chú ý. Anh còn nhớ tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, trong phát biểu của mình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dành thời gian nói về bảo tồn các làn điệu dân ca. Tổng Bí thư còn dẫn lại việc Bác Hồ trước lúc đi xa muốn nghe một khúc dân ca. Vì thế, anh nghĩ rằng nếu chỉ viết bài chèo thì chưa đủ, nên ngay sau đó anh viết bài dân ca ví giặm xứ Nghệ “Bác Trọng trong lòng nhân dân” chỉ trong vòng 1 tiếng đồng hồ. Bài dân ca nhanh chóng lan tỏa rộng khắp trên các nền tảng mạng xã hội.
Soạn giả Mai Văn Lạng bày tỏ: “Bản thân tôi cũng thấy rằng là mình đã làm được việc nhỏ, thêm một nén tâm nhang để tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và một điều nữa tôi cũng thấy rằng hát dân ca sẽ được thắp lửa từ hàng triệu trái tim khắp mọi miền Tổ quốc để hát lên, để chia sẻ, để nghe, để tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đó là vinh dự tự hào của tôi. Qua tình cảm của mọi người với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tôi cũng thấy rằng bà con nhân dân khắp nơi yêu say, đón nghe những làn điệu dân ca và những làn điệu dân ca lời mới, viết hay thì vẫn đi vào lòng khán thính giả”.
Không chỉ dừng lại ở việc khắc họa chân dung của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhiều tác giả đã đưa những lời chỉ đạo, nhắn nhủ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào các ca khúc.
Với câu nói của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “Đừng thấy đỏ mà tưởng là chín” và những câu nói tương tự của nhiều danh nhân khác, nhạc sĩ Nguyễn Đình Thậm đã sưu tầm lại và phổ nhạc dân ca miền Trung thành ca khúc “Đừng tưởng”. Nhạc sĩ cũng thể hiện sự ngưỡng mộ, lòng yêu mến, cảm phục người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam thông qua ca khúc “Thắm mãi tình anh”.
Là người thể hiện ca khúc này, ca sĩ Lê Anh Dũng chia sẻ: “Nhạc sĩ Nguyễn Đình Thậm đã rất khéo léo khi dùng ngôn ngữ để khắc họa hình ảnh chân dung và phẩm chất con người của Bác mà không một ca từ nào nhắc đến tên của Bác, nhưng người nghe có thể cảm nhận được hình ảnh của Bác, rất bình dị, gần gũi, rất nồng ấm”.
Trong một đợt giao lưu nghệ thuật quốc tế những năm trước, Tổng đạo diễn chương trình của một nhà hát nghệ thuật quốc gia muốn đưa vào chương trình bài hát “Có một mái đầu bạc”, một bài hát rất hay, rất tự hào, xúc động về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sáng tác của Anh hùng lao động, thầy thuốc nhân dân, Giáo sư, Bác sĩ Nguyễn Anh Trí: “Trong một phiên họp của Quốc hội thì Tổng Bí thư ngồi ở hàng trên cùng, chúng tôi ngồi phía sau. Tôi nhìn lên và thấy được cái mái đầu tóc bạc rất đẹp của Tổng Bí thư. Lúc ấy tôi cảm nhận rằng đây sẽ là cái tứ chính cho ca khúc của mình. Hình ảnh mái đầu tóc bạc đó là hình ảnh của đám mây trắng trên đỉnh Fansipan, đó là lớp lớp sóng bạc đầu ở Biển Đông và mái tóc bạc đấy rất hiên ngang trong công tác đối nội, đối ngoại để gìn giữ đất nước này. Qua ca khúc này tôi muốn khắc họa là một phần nào những đóng góp cống hiến lớn lao của đồng chí. Tôi cũng muốn bày tỏ tình cảm của cá nhân tôi đối với đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng”.
Bài hát cất lên, lập tức làm xao động trái tim bao người. Thế nhưng, lúc đó dù Tổng Bí thư biểu dương thành quả sáng tạo nghệ thuật của nhạc sĩ sáng tác và nghệ sĩ biểu diễn, nhưng với bản tính khiêm tốn, giản dị và hiền hoà của mình, ông đề nghị cứ để đấy làm kỷ niệm, chứ chưa sử dụng hay biểu diễn, dù anh em nghệ sĩ tiếc ngẩn ngơ.
Cho đến những ngày này, khi cả nước tiếc thương người lãnh đạo kiệt xuất của Đảng ra đi, thì bài hát “Có một mái đầu bạc” đã được vang lên đầy xúc động qua giọng ca của nghệ sĩ Hoàng Viết Danh.
Nguồn: Vov.vn