Trong khuôn khổ Liên hoan phát thanh toàn quốc lần thứ 16 diễn ra tại tỉnh Thanh Hóa do VOV phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa tổ chức, từ ngày 12-14/7 sẽ diễn ra Chương trình “Giao lưu những người yêu nghệ thuật chèo toàn quốc lần thứ 9 năm 2024”.
NSND Văn Chương, Trưởng Ban Âm nhạc VOV3, Đài TNVN đã có những chia sẻ về mục đích, ý nghĩa của Chương trình “Giao lưu những người yêu nghệ thuật chèo toàn quốc lần thứ 9 năm 2024”.
PV: Thưa ông, tại Liên hoan phát thanh toàn quốc lần thứ 16 sẽ diễn ra “Giao lưu những người yêu nghệ thuật Chèo toàn quốc lần thứ 9 năm 2024”. So với những lần tổ chức trước, chương trình giao lưu lần này có ý nghĩa và quy mô như thế nào, thưa ông?
NSND Văn Chương: Năm nay là năm thứ 9 của Chương trình gặp gỡ giao lưu những người yêu nghệ thuật chèo toàn quốc. Được sự quan tâm của lãnh đạo Đài Tiếng nói Việt Nam, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, Liên hoan những người yêu chèo toàn quốc là hoạt động bên lề LHPT toàn quốc 2024, các diễn viên rất phấn khởi so với những kỳ liên hoan trước đây.
Số lượng người năm nay tham gia tăng lên rất nhiều. Ban tổ chức phải nỗ lực để lựa chọn được hơn 500 diễn viên tham gia.
PV: Qua mỗi lần tham gia giao lưu, các tác phẩm hát chèo đã dần có sự đổi mới về chất lượng. Tại chương trình giao lưu lần này điều đó được thể hiện cụ thể ra sao thưa ông?
NSND Văn Chương: Ban tổ chức Chương trình đã chọn ra được hơn 100 tiết mục đơn ca, song ca, tốp ca, những làn điệu chèo truyền thống những hoạt cảnh chèo, những bài hát chèo đặt lời mới ca ngợi Đảng, ca ngợi bác Hồ kính yêu, ca ngợi quê hương đất nước và có cả những bài hát ca ngợi ngành phát thanh. Điều đặc biệt nữa là năm nay lực lượng của các diễn viên không chuyên trong câu lạc bộ những người yêu chèo toàn quốc có rất nhiều bạn trẻ, diễn viên trẻ đến từ mọi miền Tổ quốc tham gia.
Cũng phải nói một điều rất đáng yêu là những nghệ nhân, những diễn viên không chuyên này tự lo kinh phí ăn ở, đi lại, họ chỉ cần được hát những làn điệu chèo truyền thống, được hát những bài hát chèo đặt lời mới tại liên hoan. Có rất nhiều người yêu mến chèo cũng sẵn sàng từ mọi miền Tổ quốc về với Thanh Hóa để tham gia với tư cách là khán giả, qua đó thỏa mãn tình yêu, niềm đam mê đối với nghệ thuật chèo.
PV: Chèo là một bộ môn nghệ thuật độc đáo, đặc sắc của Việt Nam nhưng hiện nay đang dần bị mai một. Qua các cuộc giao lưu như thế này sẽ có ý nghĩa như thế nào với công tác bảo tồn vốn Văn hóa Cổ truyền của Dân tộc, thưa ông?
NSND Văn Chương: Thật ra nghệ thuật chèo vẫn đang hoạt động rất mạnh mẽ. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, khán giả trẻ có phần phai nhạt với chèo. Họ thích nhạc mới, nhạc thị trường, nhạc sôi động, thậm chí có cả âm nhạc nước ngoài cũng du nhập vào, vậy thì những hoạt động của những người yêu nghệ thuật chèo có ý nghĩa bảo tồn, giữ gìn và phát huy và lan tỏa âm nhạc truyền thống của Việt Nam.
Đây là hoạt động rất ý nghĩa khi họ vừa bảo tồn nghệ thuật chèo trong nhân dân, vừa là những người đồng hành trong hoạt động và sáng tạo sản xuất ra những sản phẩm âm nhạc này đồng thời cũng là những người thụ hưởng.
PV: Cùng với các cuộc giao lưu như thế này, việc bảo tồn nghệ thuật hát chèo cũng đã và đang được VOV, trong đó nòng cốt là Ban Âm nhạc VOV3 thực hiện như thế nào, thưa ông?
NSND Văn Chương: Từ khi còn bé đi chăn bò, chăn trâu đã nghe trên loa phát thanh ở địa phương chương trình “30 phút dân ca và nhạc cổ truyền” của Đài tiếng nói Việt Nam, trong đó có hát chèo, đó là đặc sản mang tính truyền thống của Đài tiếng nói Việt Nam, một chặng đường dài bao nhiêu năm qua cho đến nay Đài TNVN vẫn giữ gìn phát huy và không ngừng đổi mới.
Các chương trình dân ca của Phòng dân ca Ban Âm nhạc VOV3, trước đây chỉ có chương trình giới thiệu “sau đây là bài hát chèo”, nhưng bây giờ trong các chương trình dân ca, các biên tập viên phân tích các làn điệu chèo theo các cung bậc tình cảm, vui hay buồn, hay hóm hỉnh, nhớ thương, hờn giận, hoặc bài hát chèo đặt lời mới ca ngợi Đảng, Bác Hồ, quê hương đất nước, chủ đề ơn nghĩa sinh thành, ca ngợi những chiến sĩ nơi biên giới hải đảo, những đồng chí công an, cô giáo vùng cao vượt nghèo khó để mang cái chữ đến các em vùng cao.
Biên tập viên phân tích bài hát với các làn điệu và các chủ đề nội dung để thính giả nghe và hiểu sâu hơn làn điệu chèo, đó là cách làm mới. Gần đây trong các chương trình dân ca và nhạc cổ truyền của VOV3 còn có chương trình “Đối thoại dân ca”, soạn giả Mai Văn Lạng trả lời những mong muốn, nguyện vọng của thính giả về âm nhạc truyền thống được thính giả yêu thích và luôn đồng hành.
Khán thính giả nghe Đài nói: Các anh chị biên tập viên ơi chúng tôi nghe trên đài có bài hát chèo: “Nghe Bác đọc Tuyên ngôn” nghe hay lắm, hoặc là hát về Đại tướng Võ Nguyên Giáp “Người về nghe tiếng sóng ru” và chúng tôi cũng hát được các bài hát này. Cho tôi hát một đoạn bài hát này có được không? Các chương trình dân ca luôn sáng tạo, đổi mới để cho các đặc sản dân ca và nhạc cổ truyền trên Đài nói chung, nghệ thuật chèo nói riêng làm cho khán giả không bao giờ quên cánh sóng của VOV.
PV: Xin cảm ơn NSND Văn Chương!
Nguồn: Vov.vn